Đang thực hiện

Tình hình và triển vọng tiêu thụ phân bón trên thế giới trong thời gian 2023-2027

Trong báo cáo tháng 7/2023 về thị trường phân bón thế giới và triển vọng trung hạn, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã đánh giá tình hình tiêu thụ, cung ứng phân bón hiện nay và đưa ra dự báo nguồn cung đến năm 2027.

Tiêu thụ phân bón toàn cầu

Trong khi cuộc chiến tranh ở Ucraina và các bất ổn liên quan đến cuộc chiến tranh này vẫn tiếp tục, những động lực của nhu cầu phân bón trong trung hạn đã quay trở về với các nền tảng cơ sở của nông nghiệp.

Giá cao làm giảm tiêu thụ phân bón trong thời gian 2020-2022 

Cuối năm 2022, các nước tham gia cuộc khảo sát của IFA ở tất cả các khu vực trên thế giới đã đánh giá rằng giá phân bón và giá nông sản là những động lực quan trọng nhất đối với tiêu thụ phân bón. Những yếu tố then chốt tiếp theo đối với nhu cầu phân bón là trợ cấp của chính phủ cho người nông dân, tình hình thời tiết, giá năng lượng, nguồn cung phân bón, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và các quy định về bảo vệ môi trường.

Trong thời gian từ quý II/2021 đến quý II/2022, giá phân bón đã tăng đến những mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008. Tuy giá nông sản trong thời kỳ đó cũng tăng, nhưng nhìn chung không tăng nhiều như giá phân bón. Kết quả là chi phí phân bón đã tăng mạnh hơn so với giá nông sản, ảnh hưởng đến triển vọng thu nhập của người nông dân. Sau đó, giá phân bón đã giảm nhờ nguồn cung phân đạm, phân lân cao hơn dự kiến và giá khí thiên nhiên giảm, mặt khác nhu cầu phân lân và phân kali đã giảm do trước đó nhiều nông dân đã trì hoãn hoặc ngừng mua các loại phân bón này.

Giá phân bón cao và nguồn cung thấp là những yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ trên khắp thế giới trong thời gian 2020-2022. Trên toàn cầu, lượng tiêu thụ phân bón đã giảm gần 3% trong năm tài chính 2021, đạt 194,7 triệu tấn, và giảm gần 5% trong năm tài chính 2022, đạt 185,1 triệu tấn. Nhìn chung, lượng tiêu thụ phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2022 thấp hơn 15 triệu tấn so với mức tiêu thụ kỷ lục 200,2 triệu tấn đã đạt được trong năm tài chính 2020.

Tổng cộng, ước tính tiêu thụ phân bón trong hai năm tài chính 2021 và 2022 đã giảm 7,6%, gần với mức giảm 8,4% trong năm 2008 - khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tương tự như năm 2008, nhu cầu K đã giảm mạnh hơn nhu cầu P, trong khi đó nhu cầu P đã giảm mạnh hơn nhu cầu N. Tiêu thụ K trong năm tài chính 2022 đã giảm 12 % so với năm tài chính 2020, còn nhu cầu P và N giảm 9% và 5% tương ứng. Sự chênh lệch trong suy giảm nhu cầu tiêu thụ các chất dinh dưỡng cây trồng đã phản ánh tầm quan trọng của N đối với năng suất thu hoạch cây trồng cũng như khả năng lưu giữ P và K trong đất. Người nông dân thường có xu hướng giảm sử dụng P và K nhiều hơn so với giảm sử dụng N, đặc biệt nếu các chất dinh dưỡng P và K đã được sử dụng thích hợp trong những niên vụ trước đó.

Tính theo giá trị tuyệt đối, Đông Á và Nam Á dẫn đầu thế giới về mức suy giảm tiêu thụ phân bón trong thời kỳ 2 năm 2021-2022, chiếm gần 60% lượng suy giảm tiêu thụ trên toàn thế giới. Tại Nam Á, tiêu thụ phân bón ở Ấn Độ đã giảm đáng kể trong năm tài chính 2021, trong khi đó lượng tiêu thụ đã giảm mạnh ở Pakistan do ảnh hưởng của lũ lụt nghiêm trọng. Tại Đông Á, sự suy giảm của lượng sử dụng phân bón không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà còn ở cả các quốc gia sản xuất dầu dừa và gạo.

Về giá trị tương đối, 3 khu vực trên thế giới đã giảm tiêu thụ phân bón ít nhất 10% trong 2 năm 2021-2022: Tây Á giảm 17%, Tây và Trung Âu giảm 15%, châu Phi giảm 14%. Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu về mức giảm tiêu thụ phân bón ở khu vực Tây Á do sự mất giá mạnh của đồng lira càng làm cho giá phân bón  tăng cao. Tại Tây và Trung Âu, tiêu thụ phân bón bị ảnh hưởng không chỉ vì giá cao mà còn vì thời tiết khô hạn năm 2022. Tiêu thụ phân bón tại châu Phi, nơi người nông dân rất nhạy cảm với giá phân bón cao, đã giảm gần một nửa (44%), cao hơn đáng kể các khu vực khác.

Triển vọng hồi phục nhu cầu trong ngắn hạn

Theo dự báo của IFA, tiêu thụ phân bón trên toàn thế giới trong năm tài chính 2023 sẽ hồi phục và tăng 4%, đạt 192,5 triệu tấn, sát trên mức 191,8 triệu tấn của năm 2019. Lượng sử dụng N được dự báo sẽ tăng 3%, đạt 109 triệu tấn. Lượng sử dụng P và K đều sẽ cùng tăng 5%, đạt 46 và 37 triệu tấn tương ứng. Tổng lượng tiêu thụ tất cả ba chất dinh dưỡng này được dự báo sẽ quay trở lại hoặc vượt mức của năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn mức tiêu thụ kỷ lục năm 2020.

Ngũ cốc chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ phân bón toàn cầu, vì vậy lượng tiêu thụ phân bón thấp hơn trong các năm tài chính 2021 và 2022 đã phản ánh một phần sự suy giảm của diện tích gieo trồng ngũ cốc. Diện tích gieo trồng ngũ cốc trên toàn cầu đã giảm 1,5% trong năm tài chính 2022/2023, với tác nhân chính là sự suy giảm 3,4% của diện tích trồng ngô. Một số diện tích trồng ngô đã được chuyển sang các loại cây trồng khác như đậu nành - loại cây có nhu cầu chất dinh dưỡng thấp hơn. Trong năm tài chính 2023/2024, diện tích ngũ cốc toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục nhẹ, dẫn đầu là sự hồi phục của diện tích trồng ngô.

Ở các khu vực trên thế giới, Nam Á và châu Mỹ La tinh được dự báo sẽ dẫn đầu xu hướng hồi phục của lượng tiêu thụ phân bón trong năm tài chính 2023, chiếm 60% mức tăng tiêu thụ phân bón. Tại Nam Á, tiêu thụ N được dự báo sẽ tăng 5%, đạt mức kỷ lục 27 triệu tấn, tiêu thụ P được dự báo sẽ hồi phục một phần đến 10,7 triệu tấn (tăng 9%), tiêu thụ K sẽ tăng từ 2,2 triệu tấn (mức thấp nhất trong 19 năm) lên 2,5 triệu tấn (tăng 12%), mặc dù vậy vẫn là mức thấp thứ hai trong 20 năm. Lượng sử dụng phân bón tại Pakistan được dự báo sẽ hồi phục và tăng 10% sau khi nước này trải qua các trận lũ lụt năm 2022.

Tại châu Mỹ La tinh, lượng tiêu thụ phân bón được dự báo sẽ hồi phục và tăng 7%, đạt 27,6 triệu tấn, gần với mức 27,7 triệu tấn của năm tài chính 2020. Đặc biệt, tiêu thụ phân bón tại Achentina có thể hồi phục sau đợt khô hạn nghiêm trọng do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina.

Về giá trị tương đối, khu vực Tây Á được dự báo sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh nhất của nhu cầu phân bón (tăng 13%) trong năm tài chính 2023 sau khi đã sụt giảm mạnh 17% trong thời kỳ giữa các năm tài chính 2020-2022. Khu vực Tây và Trung Âu và châu Phi đều đã chứng kiến lượng tiêu thụ phân bón giảm đáng kể trong các năm tài chính 2020-2022 và được dự báo sẽ không hồi phục nhanh. Cụ thể, tiêu thụ phân bón tại Tây và Trung Âu được dự báo sẽ tăng 5% còn tiêu thụ phân bón tại châu Phi được dự báo sẽ tăng 3%. Tại Đông Âu và Trung Á, sự hồi phục một phần của lượng tiêu thụ phân bón tại Ucraina có thể được bù trừ với sự giảm lượng tiêu thụ ở Nga sau một năm tiêu thụ đạt mức kỷ lục. Diện tích lúa mì mùa đông ở Nga đã giảm do mưa nhiều vào thời điểm gieo trồng.

Triển vọng hồi phục nhu cầu trong trung hạn

Trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ phân bón được dự báo sẽ chậm lại trong trung hạn, từ mức 4% trong năm tài chính 2023 xuống 1,3% trong năm tài chính 2027. Hơn nữa, không chỉ nhu cầu tiêu thụ N tăng trưởng chậm lại mà cả nhu cầu tiêu thụ P và K cũng sẽ tăng trưởng chậm lại.

Năm 2027, tiêu thụ N được dự báo sẽ đạt 115 triệu tấn, tăng 9,4 triệu tấn hoặc 9% so với năm tài chính 2022. Trong khi đó, tiêu thụ P sẽ đạt 50,2 triệu tấn, tăng 6 triệu tấn hoặc 14% so với năm tài chính 2022, tiêu thụ K sẽ đạt 40,6 triệu tấn, tăng 5,1 triệu tấn hoặc 14% so với năm tài chính 2022.

Nam Á và châu Mỹ La tinh được dự báo sẽ đóng góp 40% vào sự tăng trưởng của nhu cầu phân bón toàn cầu trong thời gian từ năm tài chính 2024 đến năm tài chính 2027. Các khu vực có mức đóng góp lớn khác là Đông Âu và Trung Á, châu Phi, Đông Á. Tuy nhiên, những khu vực có mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng tiêu thụ phân bón lại không phải là những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất: Tiêu thụ phân bón tại châu Phi dự kiến sẽ tăng 17% trong thời gian 2024-2027, tiếp theo là khu vực Đông Âu và Trung Á (tăng 13% ) và khu vực Tây Á (tăng 10%).

Trong thời gian từ năm tài chính 2024 đến năm tài chính 2027, các thị trường phân bón khu vực có thể được phân loại thành 5 hạng mục:

1. Các thị trường động lực: Nam Á và châu Mỹ La tinh với đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu và tốc độ tăng trưởng cao (5% và 7% tương ứng trong thời gian 2024-2027).

2. Các thị trường chín muồi: Đông Á, Bắc Mỹ, Tây và Trung Âu, với mức đóng góp trung bình vào tăng trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ở mức thấp (2-4%). Động lực cho tiêu thụ phân bón ở Đông Á được dự báo sẽ là các nước khác, không phải là Trung Quốc.

3. Các thị trường phụ thuộc vào thời tiết: Châu Đại dương, với tốc độ tăng trưởng 7% trong 3 năm.

4. Các thị trường hồi phục và tăng trưởng: Châu Phi (tăng trưởng 17%) và Tây Á (tăng trưởng 10%).

5. Các thị trường không rõ ràng: Khu vực Đông Âu và Trung Á với tốc độ tăng trưởng có thể đạt 13% nếu sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ phân bón hồi phục dần.

Nguồn:Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 1(8/2023)

Hỏi đáp

Phân bón Phú Điền giải đáp các câu hỏi về việc sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông.

ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

  • Đạm Hà Bắc
  • Đạm Ninh Bình
  • Super lân Đức Giang
  • Supe Lâm Thao
  • Báo Nông nghiệp Việt Nam
  • Khuyến nông Quốc gia
  • Hội Nông dân Việt Nam
  • Bộ Công thương